Di tích LSVH Nhà thờ Bùi Đình Hựu tọa lạc trên một mảnh đất hình chữ nhật có diện tích 384,40m2, giữa một vùng dân cư đông đúc trù phú thuộc địa phận tổ dân phố 3, thị trấn Đức Thọ. Được công nhận theo Quyết định số: 3287/QĐ-UBND ngày 29/9/2021. Là một địa điểm đã ghi nhiều dấu ấn trong lịch sử 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

           Nhà thờ Bùi Đình Hựu nguyên gốc được cụ Bùi Xuân Vinh, đỗ Cử nhân khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1912) xây dựng vào năm Khải Định thứ 7 (1922). Từ đó đến nay, nhà thờ đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh và tín ngưỡng của con cháu trong dòng tộc. Nơi thể hiện đạo lý, giáo dục truyền thống và gửi gắm niềm tin, khát vọng an lạc của hậu thế đối với Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần Bùi Đình Hựu.

          Trước cách mạng tháng 8/1945, việc tế lễ phúc thần Bùi Đình Hựu được hội đồng kỳ mục xã Yên Trung và nhân dân cùng chức sắc hai giáp Đông Hà, Trung Lân tổ chức vào ngày húy kỵ của ông (26/7 âm lịch) hàng năm tại đình làng. Lễ tế được xem là một lễ trọng và là một sự kiện văn hóa tâm linh tiêu biểu của cộng đồng dân cư trong vùng.

          Về sau, khi ngôi đình mục nát, bị dỡ bỏ, bài vị Bùi Đình Hựu được rước về thờ tự tại nhà thờ họ đại tôn thì việc tế lễ Bùi Đình Hựu được gộp chung cùng các vị liệt tổ liệt tông họ Bùi Đình. Theo truyền thống, hàng năm cứ vào dịp Rằm tháng Giêng tại nhà thờ diễn ra lễ tục thiết kỵ tổ tông họ Bùi Đình và phúc thần Bùi Đình Hựu của đồng tử tôn, nội ngoại hôn tế đẳng toàn đại tôn hội tụ về đây.

         Trong những năm gần đây, cháu con trong dòng tộc từ khắp mọi miền của đất nước đã đóng góp, sửa sang, phục dựng lại nhà thờ đại tôn nghiêm trang, bề thế để bảo lưu và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống quý báu có từ ngàn đời mà các bậc tiền nhân đi trước đã để lại.

         * Về giá trị văn hóa - lịch sử:

          Di tích nhà thờ Bùi Đình Hựu là một công trình văn hóa tâm linh, nơi bảo lưu, gìn giữ nguồn mạch đại tôn họ Bùi Đình.Nhà thờ là nơi thờ tự liệt tổ, liệt tông của dòng họ. Mà trong đó cụ Bùi Đình Hựu, tổ đời thứ 6, một vị quan thanh liêm, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình đã luôn yêu thương dân, tạo phúc cho trăm họ. Đến khi mất, được nhân dân vì cảm ơn ân đức mà lập đền thờ tôn làm thành hoàng của làng, nổi tiếng linh thiêng. Về sau vua Khải Định ban sắc, phong làm Phúc thần giao cho nhân dân hai giáp xã Yên Trung thờ phụng để tiếp tục che chở và bảo vệ cho nhân dân nơi quê hương bản quán.

         Nhà thờ còn là nơi thờ tự hai vị nghĩa dũng của nghĩa quân Phan Đình Phùng là cụ Bùi Đình Ất và cụ Bùi Đình Vượng. Theo lời các cụ cao tuổi trong dòng tộc, trong kháng chiến chống Pháp nhà thờ còn là nơi diễn ra 1 số cuộc họp kín của chi bộ cộng sản Yên Trung (trong họ có các cụ Bùi Xuân Cúc, Bùi Xuân Tùng) và là địa điểm học tập của 1 số lớp trường tiểu học thị trấn trong chiến tranh chống Mỹ.

          Việc húy kỵ vong linh tiên tổ và vong linh cụ Bùi Đình Hựu hàng năm  vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch cũng như việc dâng hương hoa, trà rượu vào các ngày sóc, vọng là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa. Thể hiện sự quan tâm, tri ân của cháu con dòng họ, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng yêu quê hương xứ sở của con cháu về sau“mọi người trong họ tộc cùng thành kính tế lễ theo nghi thức, coi trọng điển lễ thờ tự”

         Giá trị khoa học - thẩmmỹ:

         Di tích nhà thờ Bùi Đình Hựu mặc dầu mới được tôn tạo lại nhưng tuân thủ theo mô típ kiến trúc truyền thống, sử dụng vật liệu cổ truyền thể hiện được nét cổ kính, uy nghiêm của một công trình văn hóa tâm linh thờ tự với bố cục hài hòa, sàm mộng chắc khít đảm bảo được sự vững chắc. Trên các cấu kiện như cột, giao kỷ, đường xà, hạ, hòn kê, ván thưng, đuôi vì kèo các nghệ nhân đã chạm rồng, phượng, các hoa văn hình sóng nước cách điệu bằng kỷ thuật chạm bẹt sắc sảo, tinh tế nhằm giảm sự thô kệch và tăng tính thẩm mỹ khiến cho ngôi nhà thêm cổ kính, uy nghiêm thể hiện sự kính ngưỡng đối với các bậc tiền nhân đồng thời gửi gắm ước vọng, niềm tin về một tương lai tươi sáng cho con cháu học hành thành đạt, cầu mong hạnh phúc, no đủ, sinh sôi phát triển và mãi mãi trường tồn.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 161.539
    Online: 31