LNV - Bánh gai Đức Thọ mang hương vị ngọt bùi, dẻo thơm không giống với loại bánh gai ở nơi khác. Từ một món quà quê, bánh gai trở thành sản phẩm mang lại kinh tế cho vùng quê Hà Tĩnh.


Sản phẩm bánh gai Đức Thọ

Huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh quê tôi, nằm êm đềm bên dòng sông La xanh mát, một dòng sông rất thơ làm nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác. Nơi đây nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã quen thuộc như hến sông La, bún bò Đò Trai và ấn tượng nhất là bánh gai Đức Thọ dẻo bùi bọc trong lá chuối khô.

Những chiếc bánh gai gói ghém bằng tay của người dân làng Khóng (xã Đức Yên, huyện Đức Thọ) là thức quà quê mà ai đi xa cũng đều nhớ về. Tuổi thơ của đứa trẻ vùng quê nghèo như tôi gắn liền với thức quà quê đặc biệt này. Mỗi lần đi chợ về, bà đều mua cho tôi chiếc bánh gai nhỏ, dẻo, bùi, thơm ngon. Ngày còn bé, khi có một chiếc bánh gai trên tay, tôi liền vui sướng phấn khởi vì nhận quà.

Bánh gai được làm thủ công theo từng công đoạn.

Sau này, bánh gai trở thành một món ăn không thể thiếu trong đời sống người dân lao động Hà Tĩnh. Bất kỳ du khách nào ghé ngang Hà Tĩnh, trên dọc quốc lộ 8A chạy qua huyện Đức Thọ đều bắt gặp hình ảnh nhiều sạp hàng bán bánh gai đặc trưng. Chiếc bánh gai ú nần ngày xưa giờ đã trở thành sản phẩm hỗ trợ người dân Đức Thọ phát triển kinh tế, làm nên thương hiệu đặc sản Hà Tĩnh.

Để làm ra chiếc bánh gai Đức Thọ đặc biệt, người dân Đức Yên tận dụng những nguyên liệu tự nhiên, sử dụng lá gai trồng ở bãi bồi ven sông La tạo màu đen đặc trưng cho loại bánh này. Lá gai được luộc chín kỹ, vắt kiệt nước rồi đem đi giã nhuyễn cho thành bột mới sử dụng. Người làm trộn bột gạo nếp hoa cau với bột lá gai và mật mía để chế biến vỏ bánh bên ngoài đen bóng, dẻo mịn. Nhân bánh bên trong bao gồm đậu xanh, đường kính trắng và cùi dừa. Bánh gói bằng lá chuối khô nên có mùi hương rất riêng, không lẫn với những loại bánh khác.

Cây lá gai ngày nay được người dân địa phương trồng.


Một sản phẩm bánh gai chất lượng và đạt chuẩn yêu cầu đầu tiên phải vừa dẻo, vừa mịn, thơm mùi đặc trưng từ lá chuối. Mùi lá gai tỏa ra thoang thoảng hòa cùng mùi dầu chuối, quyện với mật mía và gạo nếp, thêm vị bùi nhân đậu xanh và cùi dừa chính là sự kết hợp hoàn hảo cho chiếc bánh gai Đức Thọ.

Trải qua hơn 100 năm giữ nghề làm bánh, năm 2016, bà Nguyễn Thị Nho thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất bánh gai Đức Yên ban đầu với 13 nhân công chuyên làm nghề. Năm 2018, tỉnh và huyện nhà hỗ trợ HTX sản xuất bánh gai tham gia vào chương trình OCOP và đạt tiêu chuẩn 2 sao. Nối tiếp sự thành công đó sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao chương trình OCOP của tỉnh vào năm 2020. Không ai có thể nghĩ, những chiếc bánh gai mang đến nhiều lợi ích cho việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân như ngày hôm nay. Mỗi một thành phẩm làm ra người làm nghề gửi gắm sự trân quý vào đó. Họ luôn sản xuất chỉn chu, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng.


HTX sản xuất bánh gai xã Đức Yên được Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017.


Nhờ vào việc làm bánh, người dân làng Khóng từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ bán trong địa bàn giờ đây thành lập HTX với hơn 45 nhân lực lao động, đem lại nguồn thu nhập trung bình từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi chiếc bánh gai bán ra với mức giá từ 3000 – 5000 đồng. Bánh được tiêu thụ từ 800 – 1000 chiếc vào mùa hè, mùa đông nhiều hơn 1500 chiếc. Bánh gai Đức Thọ dần đưa vào thị trường ở các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương và các siêu thị lớn... để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm của quê hương Hà Tĩnh.

Hiện nay, HTX sản xuất bánh gai Đức Thọ vẫn đang tiếp tục hoạt động hết năng suất nhằm phục vụ nhu cầu người dân sử dụng cho ngày Tết. Bánh sử dụng làm quà biếu ngày Tết, cúng lễ hay đơn giản là sử dụng như một món ăn đặc sản quen thuộc. Bên cạnh đó, các cấp ban ngành huyện Đức Thọ vẫn luôn quan tâm và định hướng phát triển bánh gai để sản phẩm đạt tiêu chuẩn dự án OCOP trong tương lai.


​​​​​​​

Bánh gai Đức Yên được Chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2020.


Là một người con sống xa quê, tôi vẫn luôn tìm về những chiếc bánh gai tuổi thơ để thưởng thức và hồi tưởng kỷ niệm. Giờ đây, quê hương đổi mới và phát triển cũng nhờ chiếc bánh gai ngày ấy. Thật tự hào khi bánh gai làng Khóng trở thành một món ăn tinh thần chứa đựng tình cảm, công sức của người dân lao động Hà Tĩnh. Tôi hi vọng bánh gai Đức Thọ tiếp cận đến tay người tiêu dùng nhiều hơn. Đây cũng là cách để giữ gìn truyền thống, văn hóa ẩm thực địa phương được trọn vẹn.

Theo langngheviet.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 161.468
    Online: 16