Di tích Đền thờ và mộ Trần Dực được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 09/7/2004.

            Di tích lịch sử Đền thờ và Lăng mộ Trần Dực nằm giữa một vùng dân cư đông đúc trù phú thuộc địa phận tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

            Thị trấn Đức Thọ trước năm 1945 có các làng Đông Yên (Nghĩa yên cũ) và Yên Trung (xã Yên trung cũ) thuộc tổng việt yên, làng Đông yên có xóm hói, xóm bến đền; làng Yên trung có các thôn yên trung, yên vượng, thúc thái, yên thành. Ở đời Lê có Trần Dực (1465 - 1512) đỗ nhị giáp tiến sỹ năm 1502, làm đến chức tả thị lang bộ hộ.

          Cụ Trần Dực: Xưa nay học trò xứ Nghệ vốn nổi tiếng với nghị lực hiếu học, vượt nghèo khó để vươn lên, thành đạt; và một trong những tấm gương sáng được truyền tụng đời là Tiến sĩ Trần Dực, sống vào quãng đầu triều Lê Sơ.

          Chuyện xưa kể rằng, Phấn Ngãi Hầu Trần Dựu sinh ra trong một gia đình nông dân thuộc hạng bạng đinh, dưới đáy của xã hội thời ấy. Quê ông ở xã Ngải Lăng, huyện La Sơn, ngày nay thuộc Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà Ông rất nghèo lại đông anh em có 9 người con (6 trai; 3 gái). Cụ là hậu duệ đời thứ 5 của Thủy Tổ Trần Văn Toàn. Cụ là con thứ 2 của Cụ Trần Viết Tề và cụ bà Phan Thị Được. Thuở nhỏ Trần Dực phải đi ở, chăn trâu cắt cỏ thuê cho người khác để kiếm cơm. Gia đình nhà chủ mà ông làm thuê có nuôi một thầy đồ để dạy học cho con họ. Trần Dực rất thích học, thường tìm cách học lỏm. Khi ở nhà, ông vừa làm việc nhà vừa dỏng tai lắng nghe những lời của thầy và ghi nhớ; đi chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng, ông lân la đến cạnh ngôi trường nhỏ gần cầu Khóng để nghe giảng, mượn sách vở của đám học trò lên cầu ngồi đọc, lấy que làm bút viết lên lá và mặt đất để luyện chữ. Vốn sáng dạ, với lòng ham học vô bờ và nghị lực vượt khổ, vượt khó lớn lao, Trần Dực học rất chóng. Người dân trong làng thấy ông thông minh, chăm chỉ nên rất quý trọng và đùm bọ, giúp đỡ. Chủ nhà ông ở cũng nhận ông làm con nuôi, nhờ thầy đồ kèm cặp thêm nên việc học của ông ngày càng tấn tới. Kiên trì đèn sách trong tình cảnh như vậy, chẳng bao lâu sau ông đã giỏi kinh sử, thạo văn chương, các kì tập văn luôn được xếp hạng ưu tiên. Đếm kì thi Hương, ông xin được ứng thí cùng con chủ nhà; dân làng ngạc nhiên và vui mừng khi thấy ông đỗ Hương cống ngày lần thi đầu tiên.

           Sau thi Hương, muốn thi Hội thì phải ra Kinh đô. Những chàng Hương cống nghèo Trần Dực lấy đâu ra lộ phí? Bà con làng xóm có góp giúp cho một ít tiền gạo thì cũng chỉ đủ phần nào mà thôi. Thế rồi Trần Dực nghĩ ra một kế. Trên đường ra Thăng Long, để có cơm ăn ông dấu họ tên, thân phận của mình đi, xin theo làm người hầu, gánh lều chõng, thổi cơm, khuân vác hành lí thuê cho một ông Cống nhà giàu cũng lai kinh ứng thí dịp này. Ngày vào trường thi, Trần Dực phải dậy sớm hơn để lo phục dịch, đưa ông Cống kia đến nơi, dựng lều chõng cho ông ta, rồi mới vội về quán trọ thay quần áo để vào trường. Làm bài xong, Trần Dực lại về sớm kịp nấu nướng, hầu hạ ông Cống nhà giàu nọ...

           Sử chép, năm 38 tuổi, tại khoa thi Hội năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông, Trần Dực đỗ Hội nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, đứng đầu cả bốn trường.

           Sau thành công tại kì thi Hội, Trần Dực còn đỗ đầu khoa Đông Các, ra làm quan đến chức Tả Thị Lang bộ Hộ kiêm Đông Các Hiệu thư. Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), tên của ông được ghi trên bia số 6 hàng đầu dãy bên phải.

            Tới năm Hồng Thuận thứ 4 (1512), ở trấn Nghệ An có Lê Hi, Trịnh Hưng, LÊ Minh Triệt nổi loạn. Sách Khâm định Việt sử chép: “Mùa hè năm Nhâm Dần (1512), vua sai Khang Quận công Trầm Nghi và Đông Các Hiệu thư Trần Dực vào Cửa Hội Nghệ An để dẹp giặc. Trong trận chiến đó, do quân địch quá mạnh, Trần Dực và Trần Nghi cho thuyền bè ra khơi để bảo toàn lực lượng, không may gặp giông tố lớn, tàu bị đắm, Trần Dực và Trần Nghi đã hi sinh anh dũng”.

            Để ghi nhận công lao của Trần Dực, triều Đình nhà Lê truy phong ông chức Phấn Nghĩa Hầu. Dưới thời Nguyễn, triều đình cũng ban tặng ông sáu sắc phong thần và giao cho dân bốn thông Đông Yên, Trung Thịnh, Nghĩa Yên và Vượng Hồ lập đền thờ Trần Dực, được thờ cúng và chăm sóc chu đáo.

            Chuyện cũng còn kể rằng, sau khi đỗ đạt ra làm quan, Tiến sĩ Trần Dực đã trở về làng cho khai thông hói Khóng, xây lại cây cầu mà ông từng ngồi học thủa ấu thơ chăn trâu cắt cỏ. Dân làng dựng bia ghi lại sự việc ấy, và gọi tên cầu là cầu Thị Lang (theo chức vụ của Trần Dực). Tấm bia ấy nay vẫn còn thờ tại nhà thờ ông ở Tổ dân phố 1 Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

           Năm 2012 Đền thờ và mộ Trần Dực  được trùng tu, tôn tạo năm 2012 với tổng kinh phí trên 300.000.000đ. Nguồn kinh phí chủ yếu kêu gọi nguồn xã hội hóa từ các nhà hảo tâm,các tổ chức, cá nhân và đóng góp của con cháu trong dòng họ.

            Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, do tác động của chiến tranh và thiên tai, di tích đã xuống cấp nhiều hạng mục. Thể theo nguyện vọng của con cháu họ Trần ngày 18/3/2024 (Nhằm ngày 10/02 ÂL) Đền thờ và Lăng mộ Trần Dực đã làm lễ hạ giải, khởi công trùng tu tôn tạo với tổng kinh phí 1.846.679.000 đồng (Một tỷ, tám trăm bốn mươi sáu triệu, sáu trăm bảy mươi chín nghìn đồng).

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 161.601
    Online: 34