Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

THÔNG TIN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

Có hiệu lực trong tháng 12/2021

I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Cụ thể, sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm (quy định cũ là một năm).

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 22 xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn: Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ hành vi: Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 26 xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn. Cụ thể, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế. Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

2. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

 Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, bao gồm:

Quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho: Dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm: Vốn đầu tư công thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được tách thành tiểu dự án trong dự án PPP và chi phí bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; dự án đầu tư công sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.

Quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ).

Quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, bao gồm các nhiệm vụ, dự án quy định tại (1) nêu trên khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn theo văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư.

Đối với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bố trí cho dự án đầu tư công: Quy trình, thủ tục kiểm soát thanh toán và quyết toán thực hiện theo các quy định tại Nghị định này; riêng thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn thực hiện theo điều ước quốc tế về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Cơ quan kiểm soát, thanh toán

Cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước dành để đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện kiểm soát thanh toán vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an căn cứ vào nhiệm vụ, phân cấp quản lý, ủy quyền cho một cơ quan làm nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công bí mật Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công tối mật, dự án đầu tư công tuyệt mật của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông báo cho Bộ Tài chính.

Nguyên tắc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công

Việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho nhiệm vụ, dự án bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định về quản lý đầu tư công và ngân sách Nhà nước của pháp luật hiện hành và quy định tại Nghị định này.

Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả; chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ tài chính đầu tư. Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ chi đầu tư phát triển, chi đầu tư xây dựng cơ bản quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

Cơ quan cấp trên của chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (gọi chung là chủ đầu tư) thuộc phạm vi quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công, sử dụng vốn đầu tư công đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ quan tài chính các cấp thực hiện công tác quản lý tài chính đầu tư công trong việc chấp hành chế độ, chính sách về quản lý, thanh toán vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật hiện hành và tại Nghị định này.

Cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công có trách nhiệm kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cho các nhiệm vụ, dự án khi có đủ điều kiện thanh toán, đủ hồ sơ thanh toán theo quy định.

Đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài, hợp đồng đã ký kết, pháp luật hiện hành của nước sở tại, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật hiện hành của Việt Nam là căn cứ pháp lý thực hiện quản lý, tạm ứng, thanh toán vốn cho dự án đầu tư công tại nước ngoài. Cơ quan chủ quản thay mặt chủ đầu tư đề nghị và thực hiện giao dịch thanh toán vốn đầu tư công với cơ quan kiểm soát, thanh toán.

Nghị định 99/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

3. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Theo đó, Nghị định sửa đổi khoản 1, Điều 13 vi phạm quy định về sử dụng thông tin thống kê. Cụ thể, phạt cảnh cáo đối với hành vi trích dẫn không ghi rõ nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm (quy định cũ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng).

Nghị định cũng bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.

Sửa đổi khoản 1, Điều 14 vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu thống kê: Phạt cảnh cáo đối với hành vi để hư hỏng dưới 50% số lượng chỉ tiêu thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê trong thời hạn lưu trữ theo quy định, nhưng còn khả năng khôi phục. (Quy định cũ phạt tiền từ 500.000 đồng-1.000.000 đồng).

Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để hư hỏng từ 50% số lượng chỉ tiêu thông tin thống kê trở lên trong phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê trong thời hạn lưu trữ theo quy định, nhưng còn khả năng khôi phục.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 17 thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo.

Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục Thống kê cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 15 triệu đồng.

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 21 triệu đồng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

4. Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.

Thông tư nêu rõ, người đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi hoặc xét tuyển công chức, viên chức tham gia tuyển dụng; công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này. Người nộp phí thực hiện nộp phí theo thông báo triệu tập của Hội đồng tuyển dụng hoặc Hội đồng thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.

Mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức như sau:

 

Số TT

Nội dung thu

Đơn vị tính

Mức thu

I

Tuyển dụng (gồm thi tuyển, xét tuyển)

 

 

 

- Dưới 100 thí sinh

Đồng/thí sinh/lần

500.000

 

- Từ 100 đến dưới 500 thí sinh

Đồng/thí sinh/lần

400.000

 

- Từ 500 thí sinh trở lên

Đồng/thí sinh/lần

300.000

II

Dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

 

 

1

Nâng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I

 

 

 

 

Dưới 50 thí sinh

Đồng/thí sinh/lần

1.400.000

 

- Từ 50 đến dưới 100 thí sinh

Đồng/thí sinh/lần

1.300.000

 

- Từ 100 thí sinh trở lên

Đồng/thí sinh/lần

1.200.000

2

Nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III, hạng IV

 

 

 

- Dưới 100 thí sinh

Đồng/thí sinh/lần

700.000

 

- Từ 100 đến dưới 500 thí sinh

Đồng/thí sinh/lần

600.000

 

- Từ 500 thí sinh trở lên

Đồng/thí sinh/lần

500.000

III

Phúc khảo thi tuyển dụng; thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Đồng/bài thi

150.000

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 228/2016/TT-BTC, mức thu phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức quy định tại Thông tư 92 không thay đổi, nhưng có bổ sung mức thu phí trường hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV.

Về quản lý và sử dụng phí, Thông tư nêu rõ, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021.

5. Sửa đổi điều kiện hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Quyết định số 33 sửa đổi điều kiện hỗ trợ như sau:

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 01 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 01 năm 2021. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm:

a) Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.

b) Số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
          c) Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
          d) Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm tại khoản 1 Điều này chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.”

Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng, điều kiện hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương như sau:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 16/CT-TTg) hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 128/NQ-CP) hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội) tại tháng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc tại tháng liền kể trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.”

II. VĂN BẢN QPPL CỦA UBND TỈNH:

1. Quyết định số 46/2021/QĐ-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh Ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

2. Quyết định số 48/2021/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về quy chế và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

3. Quyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tỉnh.

4. Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh Quyết định ban hành quy định Về tổ chức, quản lý hoạt động bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

5. Quyết định số 51/2021/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh Quyết định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trên đây là các văn bản QPPL của Trung ương, của tỉnh có hiệu lực trong tháng 12/2021 các Đồng chí cán bộ đảng viên tiếp cận để  phục vụ cho quá trình công tác chuyên môn và tuyên truyên các chính sách pháp luật mới theo ngành, lĩnh vực phụ trách. Để tiếp cận nội dung các văn bản trên đề nghị các đồng chí truy cập vào trang thông tin pháp luật của Bộ Tư pháp: http://www.moj.gov.vn/  và trang Văn bản QPPL của UBND tỉnh: http://qppl.hatinh.gov.vn/ và trang Facebook: Tư Pháp Đức Thọ.

 

Công chức Tư pháp

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 163.379
    Online: 6